Tuy nhiên, ngày nay do cuộc sống hiện đại sử dụng nhiều thiết bị điện tử: máy vi tính, smart phone, tivi,... có thể bị lão hóa mắt nên tình trạng này đang ngày càng trẻ hóa.
Vì sao bị lão thị?
Lão thị không phải là một bệnh lý. Đó là một quá trình lão hóa của mắt. Khác với loạn thị, cận thị và viễn thị là những vấn đề khúc xạ liên quan đến hình dạng nhãn cầu do các yếu tố di truyền và môi trường, lão thị là một biểu hiện của quá trình lão hóa. Nhiều nhà khoa học cho rằng lão thị bắt nguồn từ sự hình thành các protein trong thủy tinh thể, gây xơ hóa, làm cho thủy tinh thể cứng lên và mất dần khả năng đàn hồi theo thời gian. Khi đó thủy tinh thể không còn khả năng phồng lên xẹp xuống, thay đổi công suất hội tụ, phục vụ cho việc điều tiết như khi còn trẻ. Thêm vào đó, cơ mi cũng đóng vai trò quan trọng. Ở người lớn tuổi, trương lực của những sợi cơ này suy giảm, không đủ mạnh để co kéo các dây chằng quanh xích đạo thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể bị cứng và chỉ còn một điểm hội tụ thay vì một dải hội tụ.
Ở những người tuổi trung niên (thường từ 40 tuổi) khi nhìn gần hoặc đọc sách sẽ thấy mờ và để nhìn rõ người đó phải đưa sách ra xa mắt. Đó là tình trạng lão thị. Ngoài ra, những người có bệnh mạn tính: bệnh hệ thống như tăng huyết áp và tiểu đường; gia đình có người bị glôcôm hay thoái hóa hoàng điểm; môi trường làm việc độc hại với mắt hoặc làm việc cật lực bằng mắt; toàn thân có các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, tuyến giáp, viêm khớp, trầm cảm,.. dễ bị lão thị nhanh hơn. Trái lại, lão thị xuất hiện chậm ở người cận thị.
Sau khi được chẩn đoán lão thị cần phải đeo kính để nhìn gần được rõ ràng, chính xác.
Dấu hiệu nhận biết
Người bị lão thị sẽ cảm thấy mắt mờ khi nhìn gần, ví dụ như khi đọc sách, khâu vá...Khi đọc sách, người bị lão thị không nhìn rõ những chữ nhỏ hoặc đọc sách một thời gian sẽ thấy chữ bị nhòe, nhìn không rõ. Sau khi ngưng đọc một thời gian, tiếp tục đọc lại thì chữ có thể rõ lại như ban đầu. Muốn đọc sách rõ cần phải tăng thêm ánh sáng hoặc đưa sách ra xa mắt. Khi đọc sách hoặc khâu vá lâu, người lão thị sẽ cảm thấy mỏi mắt và phải đặt sách ở một khoảng cách thích hợp.
Nếu để ra xa (ngoài 33cm) thì có thể đọc được, tuy nhiên cảm thấy chóng mỏi mắt, có khi nhức đầu sau lúc làm việc hoặc vào buổi chiều.
Điều trị thế nào?
Việc điều trị lão thị tương đối đơn giản: Chỉ cần dùng kính điều chỉnh người bị lão thị sẽ cảm thấy nhìn rõ trở lại. Kính điều chỉnh có thể vừa điều chỉnh lão thị và vừa điều chỉnh cận thị, viễn thị, loạn thị. Sau khi được chẩn đoán lão thị, người bị lão thị cần phải đeo kính để nhìn gần được rõ ràng, chính xác. Thật ra thì có một số ít người bị lão thị không dùng kính, cố gắng để sách xa mắt vẫn đọc được, có khi phải nheo mắt để nhìn rõ. Tuy vậy sau khi đọc sách hoặc sau khi làm việc sẽ thấy mệt mỏi, nhức đầu do mắt phải điều tiết quá mức.
Người lão thị cần phải khám chuyên khoa mắt để chọn kính đeo thích hợp.
Tiêu chuẩn một kính tốt là đọc được rõ ràng, dùng lâu vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Chất lượng của kính còn phụ thuộc kỹ thuật làm kính, độ nặng của gọng, độ chênh của mắt kính và khoảng cách giữa kính và mắt. Thông thường người lão thị nên kiểm tra mắt mỗi năm một lần để điều chỉnh độ kính cho phù hợp.
Lời khuyên của thầy thuốcDo lão thị là hiện tượng sinh lý, thủy tinh thể bị suy giảm chức năng theo tuổi nên hầu như không có biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, có thể chăm sóc mắt một cách hợp lý nhằm kéo dài độ tuổi khỏe mạnh của mắt. Các biện pháp dễ dàng áp dụng như: Kiểm tra mắt định kỳ, đặc biệt đối với các bệnh nhân mang bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận. Đeo kính mát để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời. Đeo kính bảo vệ mắt không bị chấn thương. Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng nguồn thực phẩm. Tránh những thói quen gây hại đến mắt như: đọc sách trong cường độ ánh sáng yếu, sử dụng màn hình máy tính, ipad... quá lâu, thức khuya làm việc thường xuyên...
BS. Hải Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét