Tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Bạch Mai theo dõi trên 23.700 trẻ em tuổi học đường thì có 2,2% trẻ bị đau bụng mạn tính, trong đó chủ yếu là đau bụng mạn tính chức năng. Do đó, việc theo dõi để phát hiện và xử trí là cần thiết giúp các bậc cha mẹ an tâm chăm sóc trẻ khi có những biểu hiện rối loạn chức năng tiêu hóa.
Rối loạn chức năng tiêu hóa (RLCNTH) ở trẻ em thường biểu hiện các triệu chứng ở dạ dày - ruột kéo dài hay mạn tính tùy theo lứa tuổi nhưng không có tổn thương thực thể do bệnh lý. RLCNTH thường biểu hiện các triệu chứng như: nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng, đau bụng tái diễn, hội chứng ruột kích thích...
Trẻ bị táo bón cần bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ.
Các yếu tố liên quan đến RLCNTH
Stress: Stress có tác động trực tiếp tới hệ thần kinh não, ruột, thông tin từ ruột lên não và truyền thông tin từ não xuống ruột là cơ chế phát sinh RLCNTH. Các stress tâm lý như tức giận, sợ hãi, đau đớn đều liên quan đến rối loạn chức năng dạ dày - ruột.
Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị RLCNTH như đau bụng tái diễn, hội chứng ruột kích thích... thì trẻ có nguy cơ cao bị các triệu chứng này.
Yếu tố tâm lý: Sự lo âu trầm cảm của trẻ cũng ảnh hưởng đến RLCNTH và RLCNTH càng kéo dài thì sự lo âu trầm cảm càng nặng hơn.
Thức ăn: Trẻ không dung nạp lactose, dị ứng protein sữa bò gây tiêu chảy, chế độ ăn ít chất xơ gây táo bón...
Thay đổi vi khuẩn ở ruột: Hội chứng ruột kích thích xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh, sau các đợt tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn là do sự thay đổi vi khuẩn đường ruột.
Một số RLCNTH thường gặp và cách xử trí
Trớ trào ngược: Là tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản rồi trào ra ngoài miệng. Số lần trớ trào ngược là từ 2 lần hay nhiều lần trong ngày, kéo dài trong 3 tuần hoặc lâu hơn. Trớ trào ngược thường xuất hiện ở trẻ khỏe mạnh từ 3 tuần đến 12 tháng tuổi. Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 3-4 tháng và kết thúc khi trẻ hơn 1 tuổi.
Xử trí trớ trào ngược bằng cách: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tăng số lần cho bú, chỉnh sửa tư thế cho bú và sau khi cho bú xong thì bế trẻ đầu cao khoảng 10-15 phút rồi mới đặt nằm. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì sử dụng các sản phẩm sữa bò có chứa tinh bột để làm tăng độ đặc và sánh đặc trong môi trường acid dạ dày, có tác dụng hạn chế trào ngược. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn thêm bột) tình trạng trớ trào ngược sẽ giảm dần. Cần lưu ý khi trẻ bị trớ trào ngược, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.
Lưu ý khi trẻ bị trớ trào ngược, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.
Táo bón chức năng: Táo bón là hiện tượng chậm thải phân ra ngoài. Phân thường rắn, khô. Số lần đi đại tiện 2 lần hay ít hơn trong 1 tuần. Táo bón hay gặp ở trẻ ăn sữa bò. Bà mẹ cho con bú bị táo bón thì con thường dễ bị táo bón. Một số trẻ do tâm lý hay thói quen nín nhịn đi ngoài, lười rặn làm cho phân ứ đọng ở trực tràng. Trẻ ít vận động, ngồi nhiều ảnh hưởng đến điều hòa nhu động ruột, mất phản xạ tống phân ra ngoài.
Xử trí bằng cách điều chỉnh chế độ ăn: Trẻ nuôi nhân tạo thì mẹ cần pha sữa đúng theo hướng dẫn, nếu cần thì thay đổi loại sữa khác phù hợp. Chế độ ăn của bà mẹ cho con bú cần bổ sung chất xơ, uống thêm nước để chống táo bón cho cả mẹ và con; sử dụng các thực phẩm có tính nhuận tràng (khoai lang, khoai sọ), các loại rau xanh (rau khoai lang, rau mồng tơi...), hoa quả chín (đu đủ, xoài, cam...); uống đủ nước; thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt: tập cho trẻ thói quen đi đại tiện hàng ngày. Trẻ nhỏ thì xi ỉa, đặt ngồi bô; hoạt động thể lực: thể dục thể thao, tập luyện đều đặn để tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn; xoa bụng để kích thích nhu động ruột cho trẻ. Xoa nhẹ nhàng vùng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút.
Đau quặn bụng: Thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tháng tuổi. Biểu hiện bằng triệu chứng thường quấy khóc (đã loại trừ bệnh lý khác). Cơn khóc kéo dài và lặp đi lặp lại, kéo dài hàng tuần, hàng tháng, sau đó giảm dần và kết thúc. Trong thời gian này trẻ vẫn ăn uống và phát triển bình thường. Tuy nhiên, trẻ quấy khóc kéo dài làm cho cha mẹ lo lắng, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ con và gây căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Cách xử trí: Bế trẻ để bụng trẻ ép sát vào thành bụng mẹ. Xoa bụng trẻ. Điều quan trọng là mẹ cần bình tĩnh, dỗ trẻ, yêu thương trẻ nhiều hơn.
Lưu ý, khi xử trí các triệu chứng ở trẻ có RLCNTH, cần phải theo dõi vì một số rối loạn tiêu hóa chức năng có thể trở thành rối loạn tiêu hóa thực thể.
PGS.BS. Đào Ngọc Diễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét